THỢ ĐIỆN LẠNH

CỘNG ĐỒNG KỸ SƯ, THỢ ĐIỆN LẠNH VIỆT NAM Đăng ký / Đăng nhập
Trang chủ Tin tức Cắt giảm sử dụng môi chất HCFC – 22 để bảo vệ môi trường

Cắt giảm sử dụng môi chất HCFC – 22 để bảo vệ môi trường

Môi chất lạnh HCFC-22 đang được sử dụng phổ biến trong các hệ thống cấp đông, kho lạnh của các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh.

Theo thống kê của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, năm 2012 cả nước có hơn 400 cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh, sản lượng thủy sản đông lạnh ước đạt khoảng 1,4 triệu tấn với doanh số xuất khẩu đạt trên 6 tỷ USD. Phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh đang sử dụng môi chất lạnh HCFC-22 trong các thiết bị lạnh do có những ưu điểm như: không độc, không cháy, giá tiền thiết bị thấp, hiệu suất phát lạnh cao, chi phí ban đầu thấp, nhất là khi mua thiết bị đơn lẻ hoặc khi đầu tư ở quy mô nhỏ…

Tuy nhiên các chất HCFC, trong đó có HCFC-22 (R22) khi phát thải ra ngoài môi trường lại là một trong các chất gây nên hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô zôn và đã bị loại bỏ khỏi các nước EU, Nhật Bản. Các nước công nghiệp phát triển khác đang dần loại bỏ môi chất này.

Hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal từ tháng 01/1994 và đang triển khai loại trừ các chất HCFC. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch giảm sử dụng R22 trong lĩnh vực chế biến thủy sản là yêu cầu, nhiệm vụ bắt buộc trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam và góp phần bảo vệ môi trường toàn cầu.

Theo lộ trình, từ năm 2015 sẽ thực hiện áp dụng các biện pháp giảm thiểu thất thoát R22 từ các hệ thống lạnh, tiến tới cấm lắp đặt mới thiết bị lạnh R22 từ năm 2017 và thực hiện lộ trình cải tạo bắt buộc thiết bị lạnh R22 sang NH3 và HFC từ năm 2025 đến năm 2032. Lộ trình chuyển đổi tự nguyện kho lạnh R22 sang NH3 và HFC sẽ được thực hiện từ năm 2033 đến năm 2041.

Tuy nhiên, hiện rất ít người trong ngành chế biến đông lạnh thủy sản biết tường tận nội dung nghị định thư Montreal và lộ trình cắt giảm tiến tới loại bỏ R22 ở Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô sản xuất hộ gia đình vẫn thường xuyên lắp đặt thiết bị sử dụng môi chất R22 trong khi chế tài quản lý vẫn chưa có. Nếu tình trạng trên vẫn tiếp tục diễn ra thì nhu cầu sử dụng R22 sẽ tăng lên, trong khi đó nhập khẩu ngày càng giảm bớt do những chính sách về hạn chế nhập khẩu và hạn chế sản xuất R22 ở nước ngoài, điều này sẽ dẫn tới giá ga R22 tăng lên và có thể sẽ gây nên hiện tượng thiếu ga trầm trọng.

Do đó, các biện pháp chính sách được đề xuất với Nhà nước như: cấp phép nhập khẩu các chất R22 theo hạn ngạch với lượng nhập khẩu giảm dần theo hạn định loại trừ R22, không cấp phép thành lập mới các doanh nghiệp sản xuất thiết bị sử dụng R22, hạn chế cấp phép mở rộng sản xuất hoặc nâng cao công suất của các doanh nghiệp hiện đang sử dụng R22; giảm sử dụng môi chất trên cho dịch vụ sửa chữa thiết bị làm lạnh… Hạn ngạch nhập khẩu R22 giảm dần theo theo lộ trình, từ năm 2015 – 2019 Việt Nam được phép nhập 3.600 tấn, từ năm 2020 – 2024 được phép nhập khẩu 2.700 tấn, từ năm 2025 – 2029 sẽ có trên dưới 1.000 tấn ga được phép nhập về nước.

Đồng thời, hạn chế việc sử dụng môi chất này bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất, tìm kinh phí và hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi công nghệ, sử dụng công nghệ mới, tiến tới loại bỏ sử dụng R22.

                                                                                                                                                                                                                      Nguồn: Tổng Cục Thủy Sản

                                                                                                                                                                                                                      Admin hvacrvn.com: Giáp Quang Quý

Bài viết khác

Facebook Chat